Người đàn ông đi 30km đến lớp học thở, nhắc nhở các bạn trẻ nên tránh làm 1 điều để hạn chế bệnh tật

20/12/2023 / / 3 lượt xem

Là một người lính, ông Đạt vẫn luôn tự tin rằng bản thân có sức khoẻ tốt. Thế nhưng chỉ đến khi mắc bệnh, ông mới thấy bản thân đã quá chủ quan.

Ông Lê Đức Đạt (82 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) thường đi xe bus hơn 30km tới Bệnh viện Thanh Nhàn để tham gia lớp học thở trong buổi sinh hoạt của CLB hen – COPD. Ông Đạt cho biết, ông bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) gần 20 năm nay, hàng tháng ông phải ra viện lấy thuốc.

“Tôi khoẻ nhưng bác sĩ bảo không chủ quan được vì bệnh phổi tắc nghẽn này có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào”, ông Đạt nói.

Theo ông Đạt, trong một lần đang chơi cùng cháu, tự dưng ông cảm nhận được cơn khó thở như ai siết cổ. Sau đó, ông đi khám mới biết bản thân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Trước đó, công việc của ông thường xuyên phải tiếp khách vì thế khó tránh được chuyện phải hút thuốc lá. Khi bị bệnh phải nằm viện thì ông mới cai được thuốc lá.

Hiện nay, ngày nào ông Đạt cũng phải dùng thuốc. Khi mắc bệnh ông mới thấy rõ được thuốc lá tàn phá sức khoẻ ghê gớm như thế nào. Qua đây, ông cũng gửi lời nhắn nhủ với các bạn trẻ nên dừng hút thuốc lá để tránh hệ luỵ về sau này như ông.

Bác sĩ nội trú Cao Sỹ Phức, Khoa nội tổng hợp Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, thuốc lá là tác nhân gây ra bệnh COPD, thậm chí là ung thư. Do vậy, việc bỏ thuốc lá, tránh xa môi trường có khói thuốc sẽ giúp cho lá phổi được khoẻ mạnh hơn.

30 năm gắn liền cuộc sống với bệnh hen

Hơn 30 năm gắn liền cuộc sống với căn bệnh hen mạn tính, bà Trần Ngọc Hoan (67 tuổi, ở Chèm, Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã có nhiều lần tưởng như khó có thể thoát được “cửa tử”. Tuy nhiên, bằng nghị lực của bản thân và luôn tuân thủ điều trị, bà Hoan vẫn sống rất vui vẻ.

Bà Hoan tâm sự rằng bà phát hiện bệnh hen từ năm 31 tuổi, cộng thêm cú sốc chồng mất do tai nạn nên bà cũng không để ý tới bệnh tật. Tới khi bệnh nặng bà đã phải vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Sau khi qua khỏi cơn hen cấp bác sĩ có nói bệnh của bà là hen mạn tính kéo dài suốt đời. Không muốn chấp nhận bệnh tật đeo đẳng cả đời, bà Hoan tìm mọi cách chạy chữa. Cứ ai mách ở đâu có thầy cắt thuốc hen tốt là bà lại tìm đến. Tuy nhiên, tiền thuốc cứ đội nón ra đi nhưng bệnh thì không thể khỏi được. Dần dần bà Hoan cũng chấp nhận bản thân mắc bệnh mạn tính và tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Theo bà Hoan, sau khi mắc Covid-19 2 lần, căn bệnh hen của bà tiến triển nặng. Riêng năm nay bà đã phải nhập viện 5 lần, mỗi lần nằm viện phải cả tháng mới được ra viện.

Bà Hoan chia sẻ trong thời gian điều trị bệnh bà đã tham gia câu lạc bộ hen – COPD tại Bệnh viện Thanh Nhàn biết được nhiều kiến thức nhờ đó cũng kiểm soát được cơn hen.

Theo bác sĩ Phức, các bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính sẽ có chỉ định dùng thuốc và không dùng thuốc. Ngoài ra, việc phục hồi chức năng hô hấp cũng rất quan trọng để giúp người bệnh loại bỏ yếu tố nguy cơ. Trong đó, tập thở là một trong những yếu tố cấu thành của quá trình phục hồi chức hô hấp.

Phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân sẽ giúp cải thiện được số lần lên cơn cấp tính; cải thiện khả năng hô hấp và hạn chế tình trạng khó thở cho bệnh nhân.

“Chúng tôi có rất nhiều buổi hướng dẫn các kiến thức khác nhau cho bệnh nhân như: sử dụng thuốc đúng cách, dinh dưỡng đúng, phòng ngừa bệnh lây nhiễm, xử lý khi gặp cơn cấp tính.

Làm này, chúng tôi dạy bệnh nhân cách tập thở. Tập thở sẽ giúp cho bệnh nhân giảm số lần cần dùng thuốc cắt cơn và duy trì tình trạng sức khỏe ổn định”, bác sĩ Phước nói.

Một số bài tập tốt cho bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính

1. Thở chúm môi:

– Hít vào bằng mũi (mím môi);

– Thở ra từ từ bằng miệng chúm môi lại (giống như thổi sáo);

– Hít vào 1-2 thì thở ra 1-2-3-4 thì (gấp đôi lúc hít vào);

– Khi hít vào và thở ra không cần gắng sức quá mức mà chỉ cần hít sâu vừa sức cùng với thở ra vừa sức (Nếu hít sâu được thì càng tốt nhưng đừng quá gắng sức);

– Lặp đi lặp lại động tác hít thở này hàng ngày. Người bệnh nên tập bài tập này thường xuyên, đặc biệt là khi khó thở hoặc vận động;

– Tập mỗi ngày ít nhất 3 lần (mỗi lần 15 phút). Sau khi đã quen với bài tập, mọi người có thể dùng cách thở này liên tục hàng ngày.

2. Thở cơ hoành:

– Một tay đặt lên ngực, một tay đặt lên bụng (để cảm nhận sự di động của bụng và ngực);

  • Người đàn ông 33 tuổi mắc ung thư dương vật: Bác sĩ chỉ ra nguyên nhân khiến bệnh đến sớm

– Hít vào bằng mũi (mím môi), bụng phình ra (tay ở bụng đi lên);

– Thở ra từ từ bằng miệng chúm môi lại (giống như thổi sáo), bụng xẹp xuống (tay ở bụng đi xuống).

– Hít vào 1-2 thì, thở ra 1-2-3-4 thì (gấp đôi lúc hít vào);

3. Ho khạc đàm chủ động

– Hít thở cơ hoành và chúm môi kết hợp 5 nhịp trước và sau khi ho;

– Hít sâu vào, sau đó ép ngực và bụng thở mạnh há miệng ra gằn hơi thở để kích thích ho;

– Nhờ người vỗ lưng mỗi khi ho để làm long đàm;

– Ho 5 lần hoặc ho đến khi mệt thì ngừng lại hít thở để lấy lại sức rồi tiếp tục làm lại;

– Ho khạc đàm đến lúc nào loại bỏ hết đàm ra ngoài thì ngừng.

Mỗi ngày nên ho khạc đàm 1-2 lần (vào buổi sáng và trước khi đi ngủ); ho khạc đàm thêm mỗi khi thấy có đàm. Yêu cầu uống nhiều nước, dùng thuốc theo toa để đàm long và dễ khạc hơn.

Tin cùng chuyên mục