Chuyên gia Nga: Cần bao nhiêu “Dao găm” để tàu sân bay Ford của Mỹ tìm đường xuống đáy Địa Trung Hải?

20/12/2023 / / 5 lượt xem

Bài phân tích về giả định nêu trên của chuyên gia Nga Roman Skomorokhov được Topwar.ru đăng tải ít giờ trước.

Từ một giả định đang được người Nga thảo luận sôi nổi

Gần đây tôi (Roman Skomorokhov) đã tình cờ thấy một cuộc thảo luận rất sôi nổi về một giả định khá kỳ lạ.

Một lượng lớn “chuyên gia sofa” người Nga đang cố thống nhất xem bao nhiêu chiếc MiG-31K là đủ để phòng thủ và có thể nhấn chìm những “chiếc bồn tắm Mỹ” giống như “Gerald R. Ford” vào lần tiếp theo nó tiến vào Địa Trung Hải.

Nhiệm vụ giả định sẽ như sau. Một tàu sân bay Mỹ thuộc lớp Ford – tất nhiên là nó không đi một mình mà cùng với cái gọi là cụm tác chiến tàu sân bay – sẽ xuất hiện ở phía đông Địa Trung Hải và một số “Dao găm” (tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal) sẽ được phóng đi.

Câu hỏi là bao nhiêu “Dao găm” sẽ đủ để loại chiếc Ford này khỏi vòng chiến?

Chuyên gia Nga: Cần bao nhiêu Dao găm để tàu sân bay Ford của Mỹ tìm đường xuống đáy Địa Trung Hải? - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Chúng ta cần bắt đầu với việc những chiếc tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31K với “thứ gì đó quen thuộc” dưới bụng ở độ cao 17-18 km so với Biển Đen. Có vẻ tất cả chỉ như một nhiệm vụ tuần tra thông thường trước khi “Dao găm” được khai hỏa.

Kh-47M2 sẽ cần bay từ một điểm trên Biển Đen đến Địa Trung Hải. Đây không phải là vấn đề lớn vì nhiên liệu thừa đủ đến nó có thể di chuyển từ 1.000 đến 1.200 km. Dĩ nhiên người Thổ sẽ khá lo lắng khi có thứ gì đó bay cực nhanh qua không phận của họ.

Kinzhal có vẻ khá chính xác – tất nhiên không phải là những gì người ta tuyên bố về CEP (Vòng tròn tản mát) chỉ 1 mét – nhưng số liệu từ Iskander (Tên lửa đạn đạo chiến thuật) về CEP từ 30 đến 70 mét là có thể tin được.

Cả hai tên lửa đạn đạo này đều được dẫn đường bằng INS (Dẫn đường quán tính) thứ có cả ưu và nhược điểm.

Nhược điểm chính là INS là một “vật tự thân”, bản thân hệ thống này rất đơn giản gồm các cảm biến gia tốc tuyến tính và cảm biến đo vận tốc góc… thiết bị đơn giản này cho phép máy tính tính toán ra vị trí mà tại đó nó sẽ phải kích nổ.

Nói chung đây là các phép tính toán học và cũng là nguồn gốc của CEP. Và mọi thứ đều hợp lý nếu tầm bay của tên lửa dưới 500 km.

Từ CEP 30-70 mét của Iskander, có thể suy ra CEP của “Dao găm” là 10-30 mét – quá tốt cho khoảng cách 1.000 km vì đầu đạn nặng nửa tấn sẽ làm những việc còn lại.

Nhưng có một vấn đề ở đây. Tên lửa được dẫn đường bằng INS và điều chỉnh vị trí bằng vệ tinh rất chính xác nếu nó đánh vào một điểm cố định – không chạy đi đâu cả – như một kho vũ khí dưới lòng đất.

Tàu sân bay thì hơi khác, nó không đứng yên mà ngay cả khi neo đậu, nó vẫn có thể giao động trên mặt biển. Và để tên lửa được dẫn đường bằng INS bắn trúng nó, máy tính của nó phải tương ứng với bộ não của một thiên tài.

Đó là lý do tại sao tên lửa chống hạm thường được trang bị đầu dò radar chủ hoặc bị động.

Nhưng không có cách nào bổ sung đầu dò loại này trên cả Kinzhal lẫn Iskander vì thứ nhất cần tới một sửa đổi lớn với tấm chắn trong suốt trên mũi tên lửa và tiếp theo là tốc độ siêu thanh ở pha cuối – Mach 10.

Tiếp theo là một câu hỏi vật lý. Điều gì xảy ra khi một vật thể kim loại khổng lồ hình trụ cọ xát với không khí với tốc độ khủng khiếp 5.000 m/s? Điều này hoàn toàn loại trừ việc sử dụng bất kỳ loại đầu dò radar nào trên Kinzhal.

Vậy đầu dò quang học và đầu dò hồng ngoại thì sao? Đầu dò quang học thường chỉ làm việc trong điều kiện thời tiết cực kỳ tốt – đem lại tầm nhìn xa. Đầu dò hồng ngoại cũng hoạt động với nguyên tắc tương tự nhưng ít phụ thuộc vào thời tiết hơn.

Nhưng vấn đề là chúng chỉ có thể được sử dụng khi không bay ở tốc độ siêu thanh – không có lớp khí nóng/plasma trước mũi tên lửa.

Nhưng khi đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác vì ở tốc độ Mach 4~6, các hệ thống phòng không của cụm tác chiến tàu sân bay có thể dễ dàng đánh chặn tên lửa.

Và đó là chưa nói việc đầu dò quang học phải “nhìn” và so sánh địa hình với những gì được lưu trữ trong bộ nhớ của nó – đó là núi, rừng, sông hồ, đô thị và đường xá. Còn mặt biển thì sao? Chẳng có gì để so sánh cả.

Quan trọng hơn, các khí tài trinh sát NATO đang theo dõi liên tục các hoạt động trên không của Nga và không có lý do gì một “Dao găm” được phóng đi mà họ không biết.

Điều gì sẽ xảy ra trong khoảng 4 phút sau khi “Ford” nhận được cảnh báo và Kh-47M2 bay tới đích? Tàu sân bay sẽ làm gì trong thời gian này?

Dĩ nhiên nó có thể nhổ neo và di chuyển ra xa khoảng 100 đến 150 mét trước khi tiếng rít của tên lửa và cột nước bắn lên giúp thủy thủ đoàn thở phào nhẹ nhõm.

Nhân tiện, Pháp phản lực M142 HIMARS của Mỹ cũng hoạt động giống hệt như “Dao găm” – tức là nó được dẫn đường bằng INS và định vị GPS nên rất thích hợp với các mục tiêu tĩnh.

Cần bao nhiêu “Dao găm” để đánh chìm Ford?

Tất nhiên vẫn có giả định về một sự may mắn nào đó khiến “Dao găm” đánh trúng chiếc tàu sân bay – và vẫn còn câu hỏi về việc sẽ cần bao nhiêu tên lửa để “Ford” chìm xuống đáy Địa Trung Hải.

Tất nhiên đó sẽ không chỉ là về đầu đạn nặng 500 kg mà còn là động năng mà nó thu được trong quá trình lao xuống mục tiêu từ điểm cao nhất của quỹ đạo ở tốc độ siêu thanh. Và trong trường hợp xấu nhất (đối với người Mỹ), một “nhát” là đủ.

Nhưng rõ ràng từ các phân tích nêu trên, thứ vũ khí thực tế hơn Kh-47M2 Kinzhal đối với các tàu sân bay là tên lửa diệt hạm và đó là lý do các tàu chiến NATO cảm thấy không quá căng thẳng khi vì lý do nào đó MiG-31K bắt đầu tuần tra trên bầu trời Biển Đen.

Tin cùng chuyên mục